Monthly Archives: Tháng Một 2016

Chương một: Kí ức


Lời tác giả

Tôi là một thành phần yêu hàng Việt Nam điển hình. Và tôi phải giải thích trước kẻo bị mắng về sau, về tên của nhân vật nữ chính. Giản Hạ Thủy! Đảm bảo 100 người nghe thì cả 100 người đều cho rằng đây là một cái tên trăm phần trăm “tàu khựa” ! Không ạ, sở dĩ tôi lấy cái tên này là vì: Trong tử vi của tôi có nói mệnh tôi là mệnh giản hạ thủy- tức là nước dưới khe suối, âm thầm cống hiến, âm thầm chịu đựng, tuy nhỏ bé nhưng vẫn có thể gây sạt lở cả một khoảng đồi nếu muốn. Ấn tượng với cái tên nên tôi quyết định Gỉản Hạ Thủy là tên của nữ chính, của tôi.

 

1.

Gia đình tôi lớn, lớn lắm. Vốn dòng họ tôi là dòng họ Thành Hoàng lập ra làng nên gia đình tôi có một thứ nghĩa khí và tư chất riêng, nổi bật hoàn toàn với những người còn lại. Bà nội tôi sinh được 9 người con: 7 trai, 2 gái. Trong đó, có một bác trai đã hy sinh trong kháng chiến. Bố tôi là con út, lại sống cùng ông bà. Út thì dược chiều nên ông bà yêu thương bố tôi lắm. Và tất nhiên đứa cháu gái như tôi lại càng được thiên vị hơn các cháu khác nhiều!

Tôi là một đứa có tư chất từ nhỏ, lanh lợi, IQ có lẽ cao nhưng EQ thì… Thôi bỏ qua đi! Từ ngày vào lớp 1, tôi đã được làm lớp trưởng kiêm quản ca, nên khỏi phải nói tôi ngày ấy kiêu ngạo và tự phụ thế nào. Nhưng không phải vì thế mà tôi dược sống như công chúa đâu. 6 tuổi đã một mình chăn 4 con bò.

Tôi là một đứa rất đanh đá, tính tình thì nghịch ngợm như con trai. Đi chăn bò thường xuyên đánh nhau với bọn con trai. Là ĐÁNH NHAu đó! Có thể bọn nó nhường, có thể do tôi chưa kịp bị xử đã khóc òa ra rồi về mách bà. Bà tôi lên tận nhà thằng nhóc đó để giáo huấn. Tôi thì không có cảm xúc gi vì tôi nghĩ mình đúng.

Bây giờ lớn rồi, bà mất cũng đã được hơn sáu năm, nghĩ lại bây giờ sống mũi còn cay!

 

2.

Ông nội mất năm tôi ba tuổi. Kí ức về ông tuy ít nhưng sống động vô cùng. Ông hay đau lưng và hay kêu tôi đấm lưng. Có một lần, tôi-cái đứa khi ấy mới hơn hai tuổi- vào phòng ông, liến thoắng:

– Ông ơi, ông “bù” lưng xuống cho con đấm đi!

Ông tôi quả nhiên không nghi ngờ gì, cúi lưng xuống thấp. Tôi sung sướng nhảy lên lưng ông:

– Ye, Ye. Ông cõng con đi! Ye, ông cõng con đi!

Ông tôi kêu lớn lên:

– Ối, Ối, bà ơi! Cái Thủy nó lừa tôi rồi!

Bà tôi lúc đó vừa rang thịt xong, bê chiếc nồi nhỏ từ dưới bếp lên, hai má hồng hồng. Đó là hình ảnh sâu đậm nhất trong trí nhớ của tôi!

 

3.

Nhà tôi có hai cô lớn (1). Một cô là cả, một cô là cô Tám ngay trên bố tôi. Ấy vậy mà hai cô không ngớt cãi nhau, từ chuyện nhà tới chuyện ở trường (hai cô đều là giáo viên mầm non cùng trường). Tôi nhớ năm ấy tôi vừa vào lớp Một, mỗi lần chứng kiến hay nghe kể rằng hai cô cãi nhau, tôi lại thắp hương khấn ông, mong ông phù hô cho hai cô hòa thuận. Bà tôi mỗi lần thấy thế, mắt lại rưng rưng.

Một hôm sang nhà bác chơi, thây cô Cả đang ở đó, chả hiểu lúc ấy nghĩ gì mà tôi bước loăng quăng rồi đọc lên câu vè mới học trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Một lúc bấy giờ:

– Cô Cả ơi, cháu bảo này, trong sách cháu học, cô giáo cháu dạy là: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đánh nhau! “

Khỏi phải nói cũng biết mọi người lúc đó ai cũng sững sờ nhìn con bé mới có sáu tuổi là tôi đây. Cô Cả mặt đỏ bừng quát lớn:

– Bố nhắng, ai cho mày nói thế? Ai xui mày? Chắc lại bố mày đúng không?

Tôi cuống quít:

– Dạ không, ở trong sách Tiếng Việt của cháu mà?

Nhưng cô Cả thì nhất quyết không tin, nhìn tôi bằng ánh mắt nửa viên đạn và dành nửa viên còn lại cho bố tôi- người vừa ngơ ngác đi vào. Bình thường, cô quý tôi nhất đấy, như tôi đã nói, tôi lanh lợi nên được chiều nhất nhà kia mà.

Mãi đến tận bây giờ tôi vẫn luôn băn khoăn: Là tôi nên ngưỡng mộ tư duy của tôi ngày đó so với bây giờ, hay là nên ngưỡng mộ cô giáo tôi?

*

(1) : Ở quê tôi, chị gái của bố hay em gái của bố đều được gọi là “cô”. “Cô chị, cô em”

 

4.

Ngày ông nội mất, đang đêm tôi bị mẹ đánh thức. Tôi chỉ nhớ mang máng lúc đó trời tối lắm, bố còn dặn mẹ nhớ mang đèn khi đi báo tin cho các bác còn lại có nhà ở cách đó không xa. Ngày đó chưa có điện thoại.

Tôi nhớ lúc đưa ông vào áo quan, bố đã bế tôi lên, và bảo:

– Nhìn ông lần cuối đi con!

Tôi không nhớ rằng vì sao lúc đó tôi có thể không khóc, khi mà bố mẹ tôi và một số bác đều đã khóc cả rồi!

Tôi cũng không nhớ rằng cả ngày hôm đó tôi chỉ đứng góc nhà, đầu quấn khăn tang, tay cầm lọ C Doraemon, mắt nhìn người qua lại, tự hỏi: sao hôm nay nhà mình đông người thế?

Tôi cũng chẳng nhớ được lúc bà ngoại cùng các cậu vào viếng và ôm chầm lấy tôi đang bơ vơ.

Mãi đến sau này, khi nhìn lại những bức ảnh chụp hôm ấy, thi thoảng có tôi trong một vài góc, tôi mới nhớ ra.

Mãi tới sau này tôi mới biết, trước khi mất, ông từng nói với bố tôi rằng: “Cái Thủy nó là đứa thông minh, nhưng còn ngang bướng và hoang dã lắm. Nếu biết dạy dỗ cẩn thận, ắt sẽ thành tài!”

Tôi nhớ ông lắm!

 

5.

Anh Bi- con thứ của cô Tám là một trong số ít bận thân ngày nhỏ của tôi. Tuy kém tôi một tuổi, thân hình nhỏ bé có phần còi róm nhưng anh trưởng thành hơn tôi nhiều.

Nhớ ngày bé, tôi chơi thân với anh, còn nói những câu ngu muội như:

– Sau này lớn, anh làm chú rể, em làm cô dâu nhé!

Tôi còn nhớ khi đó mọi người đều nói rằng không được, vì chngs tôi có họ với nhau. Tôi thì không hiểu, và hỏi lại:

– Tại sao “Vận Quý Nhân” cũng gọi “Thái Hậu” là cô mà vẫn có thể cưới “Hoàng Thượng” ? (1)

Mọi người ớ ra, bố đành phải chật vật giải thích cho tôi hiểu sự khác biệt giữa thời phong kiến và thời hiện đại.

Hồi đó, tôi mới có 4-5 tuổi.

*

(1) : Các nhân vật trong bộ phim “Công chúa Hoài Ngọc” của Trung Quốc.

 

6.

Tôi còn có một cậu em họ- con dì, tên là Việt, cũng bằng tuổi anh Bi. Và chúng tôi chơi thân với nhau lắm. Thế nhưng, mỗi lần có mặt cả hai người đó, là y như rằng chẳng vui tẹo nào. Tôi chả hiểu vì sao nữa. Nếu tôi nói nhiều với anh Bi hơn, Việt sẽ phụng phịu:

– Chán lắm, cho em đi về.

Nhà bà ngoại cách nhà tôi rất xa, khoảng 13km, ngày ấy, muốn ra ngoại chơi, mẹ đều phải chở tôi bằng xe đạp. Khó khăn lắm, Việt mới vào đây chơi với tôi, sao tôi lỡ.

Thế nhưng, nếu tôi bỏ lơ anh Bi, là y như rằng anh sẽ bỏ về lúc nào không biết, tính anh vẫn trầm lặng như vậy. Để rồi hôm sau cô Tám nhìn tôi, nguýt:

– Nó bảo cái Thủy đâu có chơi với con?

Khổ sở vô cùng. Có khi cả ba chúng tôi cùng vui vẻ một chỗ, nhưng đó là vui vẻ đánh nhau. Hai cậu nhóc đánh nhau, còn tôi vỗ tay cổ vũ! Hồi bé tôi xấu tính lắm, thích hùa theo, xúi giục đánh nhau rồi đến lúc chối bay tội. Tôi dám khẳng định đây lại tiếp tục là một trong những ảnh hưởng xấu đến từ phim cổ trang kiếm hiệp Trung Quốc. Bởi vì cả quãng thời thơ ấu, kí ức về phim ảnh của tôi chỉ toàn là hình ảnh phim cổ trang Trung Quốc.

(Thậm chí ngày ấy tôi còn có thể nói tiếng Trung như thật một vài câu giao tiếp đơn giản. Kiểu như:

-Hán hảo a!

– Pua tuê! Pua sư ủa na!

– Sứ, Sứ ủa! Pua sư nhỉ! Sư ủa sa tha!

– Hoàng sạ, nhỉ sua? Ná sử ma? Thá sư sể na?

-…

Có lẽ vì thế nên bây giờ tôi rất “nghiện” dòng phim này?)

Vậy nên các bậc cha mẹ hãy cân nhắc lựa chọn dòng phim thích hợp, tốt cho sự phát triển của con cái!

Thân!

 

7.

Lại chuyện tôi chơi thân với em Việt. Ngày đó, mỗi khi ra ngoại chơi, tôi với Việt lại bày trò nấu thuốc! Đây là trò chơi ưa thích của chúng tôi. Đó là tìm kiếm một ống lon, cho vào đó mọi thứ mà chúng tôi nghĩ là “thần dược” gọi là “thuốc dinh dưỡng dành cho người già”. Tôi còn mạnh dạn đọc hẳn một đoạn quảng cáo: ” Bạn muốn tăng cân ư? Hãy dùng Thuốc dinh dưỡng dành cho người già của chúng tôi!”, đương nhiên khách hàng tiềm năng không ai khác chính là ông bà ngoại. Thuốc có thành phần từ bất cứ thứ gì mà chúng tôi cho là “thuốc”, từ những lá cỏ trong vườn, lá mướp, rau muống, tới khoai lang, hoa mướp,…v…v… Lúc đầu chúng tôi khá hồi hộp. Cho tới khi ngửi thấy mùi thơm của hoa mướp thì khẳng định đây chính là loại thuốc thần thánh trong truyền thuyết.Chúng tôi tiếp tục ngồi đợi cho tới khi nó đông đặc lại thành mấy cái viên “linh đan” như của Thái Thượng Lão Quân hay luyện. Tuy nhiên, chưa bao giờ chúng tôi thành công vì bà ngoại sẽ cầm roi ra “xử lý” hai đứa cháu “quỷ cướp” tội nghịch lửa và đến giờ ăn không vào, cùng đó là đạp đổ cái “lò luyện đan” của chúng tôi!

Ngày đó, trong mắt chúng tôi, bà ngoại là dữ dằn nhất!

Bây giờ, (theo tôi nghĩ), trong mắt chúng tôi, xã hội dữ dằn hơn nhiều!

 

8.

Hồi bé tôi suýt chết đuối 3 lần. Cả 3 lần đều ở ngoài ngoại. Kì lạ, nhà tôi là nơi đồi núi, còn nhà ngoại lại rất nhiều ao đầm, nằm cạnh sông Kinh Thầy ngày hai lần nước lên xuống!

Lần đầu năm tôi 3 tuổi, ra ao trước nhà ngoại nghịch ngợm, rồi trượt trên cái cầu ao toàn rêu, chìm nghỉm. Về sau bà vớt tôi lên. Khoan, tôi chưa chết nhé!

Lần thứ hai, là ở nhà em Việt. Nhà em ý có hai cái ao, một trước nhà, một sau. Lần thứ hai là ở cái trước nhà. Tôi thấy có một cái công tơ cũ ở dưới đó nên thò tay xuống để lấy. Và thế là tôi lao xuống, chìm nghỉm. Tôi nghe thấy tiếng Việt gọi tôi. Trong làn nước mờ mờ, tôi bỗng nhìn thấy mấy cái cọc tre, vội vàng bám lấy. Lúc đó chỉ có hai đứa tôi ở nhà.

Tôi chẳng nhớ lúc đó Việt có sợ hãi hay không, hay chính tôi có hoảng hồn hay không vì ngay sau đó là lần ngã thứ ba trong đời tôi, cũng là lần ngã thứ hai trong buổi sáng ấy. Lần này là cái ao sau nhà. Tôi chẳng nhớ tôi đã ngã xuống như thế nào và ngoi lên bằng cách nào. Chỉ nhớ tôi dẫm phải cái gì đó, còn bị mất cả một chiếc dép. Lát sau đó, dì tôi về nhà, mò mãi chiếc dép mà không thể tìm ra.

Bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy kinh hãi!

 

9.

Bác Thể tôi, ngày tôi còn bé, rất được bác yêu quý!

Bác hay hỏi tôi đi học được bao nhiêu điểm. Tôi hay khoe bác tôi được rất nhiều điểm 10, thậm chí còn lập kỉ lục theo từng tháng, từng học kì.

Bác bảo: “Tưởng thế nào chứ điểm 10 thì có gì mà giỏi? Bao giờ được điểm 4 thì bác có thưởng ngay!”

Có lần tôi được điểm 7, mẹ bảo: “Đó, lên mà khoe bác Thể!” Tôi tưởng thật, lên khoe thật, cứ ngỡ được thưởng thật nữa chứ, ai ngờ bị mọi người cười cho một phen xấu mặt.

Hồi đó tôi ngốc thật, ai nói gì cũng tin. Tuy bây giờ “đỡ” hơn một chút rồi, nhưng ai nói cũng vẫn tin lắm!

 

10.

Lại chuyện được thưởng điểm 10. Ở bên nội bố tôi là út, nhưng ở bên ngoại mẹ tôi lại là cả. Dưới mẹ tôi còn có 1 dì và 2 cậu nữa. Bởi vậy nên nghiễm nhiên tôi và em Việt trở thành “cục cưng” của cả nhà. Các cậu rất cưng chiều tôi. Cậu Hưng tôi từng đặt ra rất nhiều mức thưởng cho chúng tôi. Từ chuyện ăn 2 bát cơm được thưởng 20.000 (VNĐ), ba bát được thưởng thêm 10.000 nữa. Ngày đó, 10.000- với lũ trẻ toàn tiêu tờ 500đ đỏ chói như chúng tôi- là một số tiền lớn lắm. Nên chúng tôi thi đua nhau ăn. Hính như chủ yếu toàn là tôi thắng!

(Tôi băn khoăn tự hỏi có phải vì có một “bước đệm” như vậy nên thể chất của tôi bây giờ “rất khá” hay không? )

À, quay lại với điểm 10. Ngay từ năm lớp 1, cậu Hưng đã ra mục tiêu: “Cứ đạt 10 điểm 10 là được 10.000” Thế là tôi liên tục lập thành tích, thậm chí trong vòng gần hai tháng còn được 200- 300 điểm 10.

(Ngày đó chúng tôi có bài kiểm tra mỗi ngày, nên số điểm tích lũy được mới kinh khủng đến thế! )

Cậu Hưng không ngờ đến sự gia tăng này, đành trốn tôi mãi, mỗi khi tôi “đòi nợ” cậu chuyện thưởng.

Bây giờ nghĩ lại, so với thời cấp 2, cấp 3, muốn được điểm 10 mỗi ngày chẳng khác nào yêu cầu Messi đá phạt trăm phát trăm trúng cả!

 

11.

Hồi 4, 5 tuổi gì đó, tôi đã tập viết ở nhà và ti toe tự đánh vần rồi. Tôi nhớ có một lần lên nhà bác Tân chơi, đúng giờ chiếu phim hoạt hình, nên vênh váo đánh vần rõ to:

– Hờ… oan hoan nặng HOẠT! Hờ inh hinh huyền HÌNH!

Anh Tùng nghe thấy liền cười lăn lộn ra, sặc sụa hỏi lại:

-Có… có thật là “hờ oan hoan nặng hoạt” không?

Tôi lẩm bẩm đánh vần lại rồi khẳng định:

– Vâng, “chả” thế à?

Anh Tùng lại cười lăn ra, rồi châm biếm tôi:

-Thế này thì đi học làm sao được?

Tôi cảm thấy ấm ức và oan uổng lắm, nắm lấy tay bố kéo ra cửa:

– Bố ơi, mình về thôi! Anh Tùng lớn rồi mà còn học dốt lắm!

 

12.

Tôi từ bé đã quen thuộc với việc chăn bò. Ở nhà một mình tôi chăn 4 con bò. Các cậu thương tôi lắm, thỉnh thoảng còn đùa tôi:

-Thôi, đi học làm gì? Về đây cậu mua cho mấy con bò mà chăn!

Tôi tưởng thật, sợ phát khiếp!

Tôi chăn bò đấy, mà nhiều khi lơ đãng vô cùng. Sểnh ra là bò đã đi ăn lúa ở ruộng nhà bên, thế là tôi bị ăn đòn.

Mẹ tôi rất hung dữ và khoái cho roi vọt. Nên từ nhỏ, mẹ đã là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Khoan, tôi vẫn yêu mẹ mà!

Có một lần, tôi mải chơi gì đó nên bò chạy đâu mất mà tôi không biết. Tôi sợ hãi khi chạy về nhà, nhìn vào chuồng nó và hoảng hồn khi nó không có ở đó. Trời dần trôi về chiều muộn. Vì quá hoảng sợ, nên tôi trốn ra sau bức tường sau vườn, ngồi co ro ở đó!
Tôi đã nghe thấy tiếng mẹ cùng với một ai đó đi qua, hình như con bò ăn lúc của nhà bác Mận xóm trên.
Tôi cứ ngồi đó, ngồi đó mà không dám về. Cho đến khi trời tối hẳn, tôi mò về nhà, do bị muỗi cắn khiếp quá. Bà nội để phần tôi một miếng dưa lớn, không thấy mẹ đâu. Tôi hỏi bà về việc con bò, nó đã về nhà. Đương nhiên là sau khi no nê ở ruộng lúa nhà người ta.
Lúc gặp mẹ, tôi nịnh bợ mẹ bằng việc chia cho mẹ nửa miếng dưa. Mẹ chẳng nói gì, cũng chẳng mắng chửi, thật kì lạ!
Lớn rồi, tôi chợt nghĩ, có thể lúc đó mẹ thấy hài lòng vì kẻ tội đồ là tôi đã biết lỗi làm mất mà đi tìm kiếm tới tối khuya như vậy mà tha thứ?
Hoặc mẹ và bà đã tưởng tôi mất tích, nên thấy tôi thì cho qua luôn vụ con bò?
Thôi đi, tôi thấy cái thứ nhất hợp lý hơn!

 

13.

Vẫn chuyện chăn bò. Chúng tôi thường thả bò theo đàn, rồi ngồi một chỗ dưới đồi vải chơi bài. Ý tôi là lũ trẻ chăn bò bọn tôi ấy.

Các cụ dạy quả không sai: “Nhàn cư vi bất thiện!”

Ngồi đánh đền chiều tối thì phát hiện bò mất. Chúng tôi tìm kiếm ở các sườn đồi và thung lũng quen thuộc. Không có!

Các “huynh đệ” chia nhau về nhà xem qua một lượt. Không có!

Đến giờ phút này thì anh Cung lớn nhất đội (khoảng ngoài 20 tuổi) chia cả hội ra tìm bò. Anh nói tôi nhỏ tuổi, cứ quay về trước. Nhưng tôi vì sợ mất bò, và cả mẹ đánh nên kiên quyết đi theo. Chúng tôi trèo đèo lội suối, vượt sang dãy Phượng Hoàng, tìm ở một số ngọn núi rồi lại quay về làng thêm một lượt nữa, rồi lại lên rừng tìm một lần nữa. Vì tôi nhỏ tuổi nhất nên luôn phải chạy hết mình theo các anh vì sợ bị bỏ lại. Cuối cùng, có thể khẳng định 99% lũ bò đã sang phía bên kia của dãy núi, là bên Tiên Sơn. Chúng tôi lại trèo qua đồi núi, sang bên kia. Vâng, lũ bò của chúng tôi sang vườn lạc, vườn ngô của người ta mà ăn, bị giữ cả ở đó. Mấy người lớn trong đội tìm cách trao đổi và liên lạc với gia đình sang chuộc bò. Hình như 20.000 VNĐ/con thì phải.

Chuộc được bò rồi, chúng tôi lại dắt chúng đi theo đường quốc lộ mà về làng, vì lúc này đã hơn 7h tối, thật nguy hiểm nếu lại đi lối rừng. Khi đi qua hồ Côn Sơn, tôi nhìn thấy mấy cặp anh chị ôm nhau ngồi trên xe máy dựng ven hồ, làm những động tác kì cục, liền hỏi: “Các anh chị ấy làm gì vậy nhỉ?” Các “huynh” trong Hội cười ầm lên, bảo rằng: “Họ chơi trò vuốt đùi ếch đấy mà! Haha” Giờ nghĩ lại mới ngại làm sao. Lúc đó tôi là đứa con gái duy nhất, lại mới học lớp 2.

Về đến nhà, mẹ tắm rửa cho tôi thật kĩ để sáng hôm sau thứ hai còn phải đi học.

Tính ra đến khi về đến nhà thì tôi đã đi bộ đến hơn 20km. Trong đoàn lại chỉ có mình tôi là con gái, nhỏ tuổi nhất. Những cái lạ, cái nhất này sẽ trở thành kỉ niệm khó quên nhất đời tôi!

 

14. 

Tôi hiện đang có 1 tủ sách rất lớn. Cứ như tôi bị nghiện sách vậy. Cuốn này đọc chưa hết mà đã mua cuốn mới.
Hít hà, bọc lại cẩn thận, và gối đầu giường (nghĩa đen luôn!)

Nó làm tôi nhớ về tôi ngày còn nhỏ…

Hồi nhỏ, tôi rất thích đọc sách và truyện. Tôi có người chú làm việc tại NXB Kim Đồng, mỗi lần chú về quê mang theo rất nhiều sách, truyện cho tôi. Từ đó khiến tôi say mê vào thế giới của những cuốn truyện, sách, bao gồm cả truyện chữ lẫn truyện tranh.

Đam mê tới mức tôi đã đi ăn trộm.

Yup, đúng thế đấy, tôi từng nghĩ nó là chuyện rất đáng xấu hổ. Nhưng bây giờ lớn rồi, chỉ nhìn lại và cười mà thôi.

Năm đó tôi khoảng 13-14 tuổi, cái tuổi dở dở ương ương. Em trai tôi chắc là 3 tuổi. Vì từ khi có em trai, gia đình khó khăn hơn, mẹ cũng bớt để tâm đến tôi hơn. Tôi lên cấp 2, mải mê đọc sách truyện, nên cũng không sát sao học hành nữa. Bố mẹ tôi cũng mới bỏ nhau. Với tôi lúc đó, những cuốn truyện và sách là thế giới huyền bí, kể về thế giới rộng lớn ngoài kia.

Và vì thế mà tôi đã đi ăn trộm sách ở nhà sách.

Đừng hỏi tôi vì sao hay như thế nào? Vì thực sự suy nghĩ của bọn trẻ con (là tôi khi đó), tôi không hiểu nổi đâu, cũng không nhớ nổi nữa.

Chỉ nhớ là 1 lần bị họ bắt được, tôi không dám gọi bố mà gọi cho mẹ. Mẹ tới đền tiền cho họ. Dì Hai bảo mẹ: “Sao không mua cho nó?”, mẹ thì chỉ bảo: “Cái gì cũng chiều thế để chết à?”. Rồi mẹ đưa tôi về cho bố. Tôi đã viết 1 bản cam kết, hứa sẽ không tái phạm nếu không sẽ tự chặt tay (đáng sợ chưa?).

Bây giờ nghĩ lại thấy vừa thương vừa buồn. Thật may là tôi ham đọc sách chứ không phải một thứ tệ nạn sa ngã nào khác.

Nếu sau này có trẻ con, mà nó ham học hỏi, tôi sẽ dạy nó không được mắc sai lầm, sửa sai như thế nào, và khuyến khích nếu nó mê đọc sách.

 

15.

Ngược dòng thời gian về trước đó 1 năm, khi mà bố mẹ tôi còn chưa bỏ nhau, có một câu chuyện tâm linh rất thú vị trong gia đình.

Như tôi đã từng kể trong câu chuyện trước, rằng nhà tôi, bà nội sinh được 9 người con, trong đó có 1 bác là liệt sĩ hy sinh trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bác hy sinh mà đến hài cốt cũng chưa tìm thấy.

Vậy nên tâm nguyện của bà nội là sau khi bà mất, hãy tìm đưa hài cốt của bác về.

Năm đó, gia đình có mời 1 nhà ngoại cảm về, gọi hồn bác tôi về để hỏi chuyện, và người được bác lựa chọn để “ngồi” vào lại chính là mẹ tôi.

Một tháng mẹ cùng các bác đi vào Bình Phước tìm hài cốt, chị em tôi ở nhà với bố, cũng có một số chuyện đã xảy ra, ví dụ bố đi “đá gà” bị công an đuổi bắt tại sới, trèo tường bị mảnh chai cắm vào gân tay. Tôi thì thắp hương xin bác phù hộ cho bố.

Ngày mẹ và các bác đưa hài cốt Bác Hai về, tôi bế em chạy trên đường làng để đón xe, vừa chạy vừa ngã trầy đầu gối, nghĩ lại thật thương.

Tới khi “bác” – vẫn đang “ngồi” vào mẹ tôi, đang lễ bái ở giữa nhà, tôi ghé tai bác xin bác tha thứ cho bố tôi và hãy để tôi chịu hết tội lỗi.

Cũng không rõ có tác dụng gì không, dù sao thì nhờ đắp thuốc, sau này bố tôi cũng đã khỏi tay.

 

16.

Ngày còn nhỏ, dường như tôi là trùm quậy phá của tụi con cháu trong nhà.

Tụi nhóc đó đa phần kém tôi 6-7 tuổi, tức tụi nó cũng khoảng 6-7 tuổi.

Có rất nhiều trò để quậy phá, chơi bời. Một trong số đó là trò bắn bi.
Hẳn là ai chẳng từng bắn bi?
Em Thành thì còn quá nhỏ để hiểu luật chơi. Em cũng rất muốn chơi đấy chứ? Nên tôi phải chơi thật giỏi để “ăn” bi của tụi nhỏ, đem về cho em.

Một lần nọ, vẫn đang chơi ở vườn, phía trước của Nhà thờ họ, chúng tôi bắn bi. Tụi nhỏ có anh Cố (kém tôi 6 tuổi), cháu Bống (bằng tuổi Cố), cháu Vịt và cháu Thiêm.

Thiêm bắn bi ra bụi chuối rồi bảo em tôi ra nhặt. Do đó, Thành đã dẫm phải con bọ nẹt (như hình)Mách bạn cách chữa bọ nẹt đốtChân em sưng lên, và em khóc òa vì đau và ngứa. Tôi của lúc đó đã chửi mắng cháu Thiêm thậm tệ, giải tán cuộc chơi và bảo cháu Vịt mang kem đánh răng tới, bôi lên vết sưng, nhờ đó mà vết thương đã dần đỡ.

Vậy đó, hôm nay các bạn mới biết thêm cách xử lý mới với con bọ nẹt này. Và ta cũng biết luôn tôi của hồi đó cục súc như thế nào (cười).

.

Categories: Lảm nhảm!, NẮNG và MƯA | Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.